Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

kho tàng truyện cười Việt Nam! 3


41. BA ANH ĐẦY TỚ

Một lão nhà giàu có ba anh đầy tớ, nhưng mỗi anh một tính. Anh thì rất cẩn thận, anh thì rất lo xa, còn một anh thì rất lễ phép. Lão lấy làm đắc ý lắm.
Một hôm cậu con trai lão ngã xuống ao, anh cẩn thận trông thấy, chạy về thưa với chủ:
-Thưa ông, cậu cả nhà ngã xuống ao, xin ông cho phép con đi vớt cậu lên ạ !
Vớt lên được, thì cậu cả đã chết ngoẻo rồi. Lão liền vác gậy đuổi, anh cẩn thận chạy biến. Lão sai anh lo xa đi mua áo quan về liệm. Được một lúc, anh này mang về hai cái. Thấy thế ông chủ trừng mắt:
-Tại sao lại mua những hai cái thằng kia?
Anh này trả lời:
-Ấy con mua phòng xa, nhỡ cậu hai có chết đuối thì có cái dùng ngay.
Lão lại vác gậy đuổi đi.
Chỉ còn anh lễ phép vẫn được lòng ông chủ. Một hôm, anh ta cùng một người nữa cáng chủ nhà đi chơi. Đến chỗ lội bùn ngập đến lưng ống chân mà anh ta vẫn vui vẻ không một lời phàn nàn. Thấy thế ông chủ khen:
-Anh khá lắm, biết chịu khó. Cứ đi rồi tết đến ta sẽ may cho bộ cánh.
Vừa nói đến đây thì anh đầy tớ đặt cáng xuống giữa đống bùn khoanh tay lễ phép nói:
-Con xin đa tạ ông !


42. NÓI CÓ ĐẦU CÓ ĐUÔI

Một lão nhà giàu có anh đầy tớ tính rất bộp chộp, thấy có gì nói ấy, gặp đâu nói đó, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Lão mới gọi anh ta bảo:
-Mày ăn nói chẳng có đầu đuôi gì cả, người ta cười cả tao lẫn mày. Từ rày nói cái gì thì phải nói cho có đầu có đuôi nghe không!
Anh đầy tớ vâng vâng dạ dạ.
Một hôm lão mặc quần áo sắp sửa đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì thấy anh đầy tớ đứng chắp tay trịnh trọng nói:
-Thưa ông, con tằm nó nhả tơ, người ta mang tơ bán cho người tàu, người tàu đem dệt thành the rồi bán sang ta. Ông đi mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông, và áo ông đang cháy.
Lão giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy to bằng bàn tay rồi.



43. TẠI ÔNG KHÔNG HỎI

Có người mời cụ Bá đến nhà chơi. Lúc đi cụ cho anh đầy tớ theo hầu. Thấy cụ Bá đến chơi, chủ nhà ân cần hỏi han:
-Đường xa, cụ đi mệt, tôi lấy làm ngại quá!
Cụ Bá sĩ diện, bảo:
-Không, từ nhà sang đây, đi xe cũng không mệt nhọc gì.
Anh đầy tớ nhìn cụ, rồi như tiếc rẻ, nói:
-Giá lúc bấy giờ cụ trả thêm nó độ một vài xu thì ta đã đến nơi từ sớm kia rồi !
Cụ Bá nghe nói, xám mặt lại. Chủ nhà thì cứ tủm tỉm cười. Lúc về nhà , cụ Bá mắng anh đầy tớ:
-Ai bảo mày chõ mồm vào ! Từ giờ trở đi hễ không hỏi mà mày mở mồm thì chết với tao.
Anh đầy tớ biết mình lỡ lời, sợ quá, vâng vâng, dạ dạ.
Một hôm, cụ Bá làm cỗ mời khách. Mọi người đến gần đủ, chỉ thiếu một ông, chờ mãi chẳng thấy. Sợ khách phải chờ lâu, cụ sai anh đầy tớ mời lượt nữa. Anh ta đi một chốc rồi về, lẳng lặng xuống bếp, không nói gì cả.
Cụ Bá đợi mãi, không thấy, sốt ruột, tưởng anh đầy tớ chưa đi mời, lại gọi lên hỏi:
-Mày đã đi chưa?
-Dạ đã đi rồi ạ !
Cụ Bá tưởng ông kia sắp đến, lại ngồi vào trò chuyện với khách.
Cỗ bàn đã nguội cả mà vẫn không thấy ông kia đến, cụ Bá bực mình lại gọi đầy tớ lên hỏi:
-Mày đến ông ấy bảo thế nào?
-Dạ ông ấy xin kiếu vì bị cảm ạ !
Cụ Bá nổi giận mắng:
-Thế sao không nói từ nãy để mọi người khỏi phải chờ?
Con không dám nói, tại ông không hỏi ạ !



44. ĐI HỒ

Ở miền nam, đi đám ma gọi là đi điếu, đi đám hát gọi là đi giải, đi đình chùa gọi là đi cúng, đi đám ăn mừng là đi hạ, còn đi đám cưới gọi là đi hồ. Người kia hà tiện lắm, nhưng vì bạn cưới vợ, không đừng được cũng ráng đi hồ. Anh ta đi hồ năm hào, nhưng trong lá thiếp lại đề:
-Tôi đi hồ một đồng, xin chịu lại năm hào.
-Đến lượt anh ta cưới vợ, bạn cũng đáp lễ theo cách ấy, và đề vào thiếp mừng :
-Tôi đi hồ một đồng, chịu năm hào, còn năm hào trừ nợ lần đi hồ trước của anh.



45. MAY KHÔNG ĐI GIÀY

Có ông tính hà tiện, một hôm đi chân không ra chợ. Giữa đường vấp phải hòn đá, ngón chân chảy máu ròng ròng. Thế mà ông ta không phàn nàn gì, lại còn nói:
-May cho mình thật!
Có người qua đường lấy làm lạ hỏi:
-Ông vấp toạc chân, máu chảy ra như thế, mà còn bảo may là thế nào?
-Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày ! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày còn gì !



46. NHÀ GIÀU KEO BẨN

Một anh nhà giàu keo bẩn, không hề thết khách bao giờ. Một hôm, có kẻ thấy người ở nhà anh ta đem rổ bát ra cầu ao rửa, mới hỏi đùa:
-Nhà hôm nay mời khách đấy à?
Người ở nói:
-Ôi chà ! Ông chủ tôi mà mời khách, thì có họa đến ngày chết !
Anh ta đi qua đấy, nghe thấy người ở nói vậy bèn đứng mắng:
-Mày biết khi chết tao có mời ai hay không mà mày dám hẹn trước như thế !



47.SAO PHÍ QUÁ THẾ

Một người hà tiện chết xuống âm phủ. Vua Diêm vương mắng:
-Mày ở trên trần, chỉ thích bo bo giữ của không chịu đỡ đần kẻ đói, cứu giúp người nghèo. Tội mày không tha được, phải bỏ vạc dầu.
Lúc quỉ sứ đưa anh ta đến chỗ vạc dầu, anh ta nói:
-Ngần ấy dầu kia à? Sao phí quá thế ! Xin hãy đem dầu ấy bán lấy tiền cho tôi, rồi bỏ tôi vào vạc nước sôi cũng được.



48. THÀ CHẾT CÒN HƠN

Xưa có anh keo kiệt, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu.
Một hôm có người bạn cũ rủ ra tỉnh chơi. Trước anh ta còn từ chối, sau người bạn nói mãi, anh ta mới vào buồng lấy ba quan tiền giắt vào lưng rồi cùng đi.
Khi ra đến tỉnh, trông thấy cái gì anh ta cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền lại thôi. Trời nắng quá, muốn vào hàng uống nước nhưng sợ phải thết bạn, không dám vào.
Đến chiều trở về, khi qua đò đi đến giữa sông, anh keo kiệt khát nước quá, mới cúi xuống uống nước, chẳng may lộn cổ xuống sông. Anh bạn trên thuyền kêu:
-Ai cứu xin thưởng năm quan !
Anh keo kiệt ở giữa dòng sông, nghe tiếng cố ngẩng đầu lên nói:
-Năm quan đắt quá !
Anh bạn chữa lại:
-Ba quan vậy !
Anh hà tiện lại ngoi đầu lên lần nữa cố nói cho được:
-Ba quan vẫn đắt, thà chết còn hơn !



49. CON NÓI HỢP VỚI Ý TA

Có một lão nhà giàu hà tiện, lúc lâm chung gọi ba đứa con vào hỏi:
-Cha chết thì các con tính chôn cất ra sao cho khỏi tốn kém?
Con thứ ba nói:
-Con mua một chiếc chiếu rách, bó xác cha lại, chúng con lôi đi, ném xuống huyệt.
-Vẫn tốn kém.
Con thứ hai nói:
-Con ném cha xuống sông cho cá ăn.
-Không được ! Thịt cha cá ăn phí quá !
Người con cả nói:
-Con chất củi đốt xác cha để lấy tro bón ruộng nhà ta.
Người cha gật đầu:
-Con nói hợp ý ta. Như vậy là không mất cái gì mà có lợi.



50. TIẾC DA CỌP

Một lão già hà tiện bị cọp bắt, thằng con định giương súng lên bắn. Lão thấy vậy vội kêu lên:
-Nhằm chân nó mà bắn, kẻo bắn trúng mình nó thì hỏng tấm da bán không còn được giá nữa !




51. CÁ GỖ

Một anh nhà giàu hà tiện vắt cổ chày ra nước, bữa cơm không dám mua thức ăn. Anh ta treo một con cá bằng gỗ lơ lửng ở giữa nhà, dặn ăn cơm thì nhìn lên cá gỗ, chép miệng một cái rồi hãy và, thế cũng coi như được ăn cơm với cá rồi.
Đứa con út mới lên bốn tuổi, háu ăn, nhìn lên con cá gỗ chép miệng luôn mấy cái mới và cơm. Thằng lên sáu trông thấy liền mách bố:
-Thằng này nó chép miệng mấy cái liền mới và cơm đấy bố ạ.
Anh ta mắng:
-Cứ để nó ăn mặn cho khát nước chết.



52. THỈNH SAO ĐƯỢC

Có một anh nhà giàu mà hà tiện, đãi khách trọng thể đến đâu, đi chợ cũng chỉ năm hào trở lên. Một lần anh ta mắc bệnh nặng, không chịu mất tiền uống thuốc, chỉ sắm có một con gà và mấy tờ giấy vàng bạc, rồi rước thầy cúng về cúng. Thầy cúng chán ngán, liền thỉnh hết thần ngoài Huế (đây là truyện miền nam nên gọi là "ngoài Huế") đến thần bên Xiêm. Anh ta lấy làm lạ hỏi:
-Sao thầy không thỉnh thần sở tại mà lại thỉnh các thần ở xa như vậy?
Thầy cúng trả lời:
-Các vị thần ở gần đều biết tính ông rồi, thỉnh sao được....



53. VẮT CỔ CHÀY RA NƯỚC

Một hôm chủ nhà bảo đầy tớ về quê có việc, người đầy tớ xin mấy đồng tiền uống nước dọc đường.
Chủ nhà ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
-Thằng này đến là ngốc, hai bên đường thiếu gì ruộng ao, có khát thì xuống đấy tha hồ uống, tìm vào quán làm gì cho phiền phức.
-Thưa ông, độ này trời hạn, cạn khô cả.
-Thế thì tao cho mượn cái này !
Nói rồi đưa cho anh đầy tớ cái khố tải. Người này chưa hiểu ý ra làm sao, thì chủ nhà đã bảo:
-Vận vào người khi khát, vắt ra mà uống.
Người đầy tớ liền nói:
-Trời này vận khố tải, ngốt lắm. Hay là ông cho tôi mượn cái chày già cua vậy.
-Để mày làm gì?
-Dạ vắt cổ chày cũng ra nước !



54. CHÓ ĐÁ

Một lão nhà giàu keo kiệt mà lại ác. Một hôm, sang chơi chùa, thấy ngoài cổng có đôi chó đá, bèn hỏi:
-Sư ông có đôi chó đá để làm gì thế?
-Có chúng nó giữ chùa cũng đỡ trộm cắp.
Lão kia mừng thầm, nghĩ bụng: có chó giữ nhà lại chẳng phải nuôi, bèn gạ xin một con. Nhà sư nể tình:
-Vâng ngày mai, ông cho người sang đào mang về.
Đêm ấy nhà sư nằm mê thấy con chó đá quấn quít bên người, năn nỉ xin cho ở lại giữ chùa. Nhà sư bèn hỏi:
-Sao vậy?
Nó đáp:
-Con sợ lắm ! Người ta đồn rằng ông ấy " đánh chó đá vãi cứt " thì còn gì là con nữa !



55. CƯỠI NGỖNG MÀ VỀ

Một anh tính keo kiệt, ngày nọ có khách đến chơi gà vịt đầy vườn nhưng anh ta vẫn cứ phàn nàn:
-Chẳng mấy khi bác đến chơi mà lại không có thức gì thết đãi tử tế, thật lấy làm ân hận quá !
Khách mới bảo:
-Tôi có con ngựa đấy, bác đem làm thịt, anh em ta cùng chén cho vui.
Chủ hỏi:
-Thế nhưng đường xa, bác về bộ thế nào được?
Khách đáp:
-Khó gì việc ấy ! Rồi bác xem trong đàn ngỗng của bác có con nào lớn, bác cho tôi mượn một con cưỡi về cũng được.



56. NHÀ GIÀU KÉN RỂ

Một lão nhà giàu đi kén rể, một hôm qua đình làng thấy một anh nghiện thuốc phiện, quần áo lôi thôi bẩn thỉu, vừa đi vừa ngáp gió. Khi anh ta đi qua cửa đình, lão chợt thấy ông thành hoàng đứng dậy dường như để chào. Lão nghĩ bụng:
-Chắc anh này tướng đế vương, nên đi qua đình, thần mới phải đứng dậy như thế !
Lão liền gọi anh ta về nhà gả con gái cho. Anh ta sống với cha mẹ vợ giàu có, nên không còn rách rưới nữa, và được hút đã đời. Lão nhà giàu muốn khoe con rể của mình cùng họ hàng, nên thuật lại chuyện kia. Họ hàng không tin bảo làm thử. Lão ta bảo rể ăn mặc chỉnh tề, rồi đi qua đình cho họ hàng xem. Nhưng lần này, ông thần cứ ngồi trơ trơ. Họ hàng cười rộ. Lão mắc cở, giận quá, bước thẳng vào đình hỏi:
-Này ông thần ! Sao ngày nọ thằng rể tôi dơ dáy, ngáp lên ngáp xuống, đi qua đây, thì ông đứng dậy chào. Còn bây giờ nó no đủ, sạch sẽ như thế, thấy nó ông lại ngồi trơ như khúc gỗ vậy?
Thần cười đáp:
-Bây giờ rể nhà ngươi no đủ, có tiền dư dật ăn hút, đi ngang đây ta có sợ gì nữa. Ngày trước, nó nghèo đói, ta phải đứng dậy để coi chừng bộ lư đồng của làng thờ, sợ nó thỉnh mất. (tiếng miền nam có nghĩa là nẫng mất, lấy mất)



57. THÀNH HOÀNG LẤY MẤT CHỮ

Lão trọc phú nọ có đứa con gái xinh, muốn kén rể thông chữ. Đợi mãi chẳng có tú, cử nào đến. Có thằng bịp biết chuyện lập kế lấy gia tài này. Hắn mua một hòm sách, thuê người gánh, giả làm học trò. Qua cánh đồng, thấy thợ cấy đang nói chuyện thửa ruộng này "thành chủng", hắn định bụng học một chữ ấy. Hắn dò hỏi thì biết thành chủng nghĩa là "nên cấy". Lại một quãng gặp mấy đứa bé đi học, đứng cãi nhau về cây gì mà có chữ thiên tử. Hắn làm ra bộ thông, hỏi đố:
-Thế thì tao đố chúng mày thiên tử là gì nào?
Bọn trẻ đáp:
-Thiên tử là con trời chứ còn gì nữa.
Thế là hắn học lõm được hai chữ. Hắn vào hàng uống nước thì lúc ấy lão trọc phú cũng đang ngồi đấy, thấy hắn ra dáng học trò liền bắt chuyện rồi mời về nhà. Đêm đêm hắn đốt đèn vờ xem sách, khuya mới đi nghỉ. Lão trọc phú mừng thầm, định bụng sẽ gả con gái cho, nhưng muốn thử hỏi tài học của hắn ra sao. Có người đến mượn đôi nến và cái mâm gỗ trơn. Lão trọc phú nhờ hắn đánh dấu hộ cho khỏi lẫn. Hắn lấy vôi vẽ loằng ngoằn như xích chó, lão trọc phú chả hiểu chữ gì, hỏi hắn, hắn trả lời liến thoắng:
-Đây là lối viết thảo đấy ạ !
-Thế anh viết chữ gì?
-Đây là chữ "thành chủng", kia là chữ " thiên tử".
Lão trọc phú ngơ ngác nhìn hắn. Hắn nói:
-Con đánh dấu như thế để người ta không biết được. Họ có ý gian, muốn đánh tráo đồ vật của nhà ta, cũng chẳng được. "Thành chủng" là "nên cấy", "nên cấy" chả là "cây nến" thì là gì? Còn "thiên tử" là "con trời", "con trời" là "cơi tròn". Họ đoán thế nào ra được chỉ có nhà mình là biết thôi.
Lão trọc phú nghe xong, nức nở khen hắn hay chữ thật, bàn với con gái nên lấy hắn, về sau mà nhờ. Thế là hắn được vợ. Lúc ấy làng có đám, nghe noi hắn hay chữ, làng cắt hắn đọc văn tế. Lão trọc phú lấy làm hãnh diện cho con rể mình, còn hắn thì cũng chẳng còn cách nào từ chối.
Hôm đám, hắn quì xuống cầm chúc bản, đọc. Đọc được chữ "duy" hắn liền đỏ mặt tía tai, quăng chúc bản, đạp án thư, trèo trên sập, giả vờ làm Thành hoàng lên dồng, thét ầm ầm :
-Làng thiếu gì người đọc văn, sao lại cắt thằng ngụ cư đọc. Có phải nó khoe hay chữ, thì ta lấy hết chữ cho mà xem.
Nói xong, ngã lăn ra. Thế là đồng thăng.
Từ đấy ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi.



58. KIẾM RỂ LƯỜI

Một lão nhà giàu có một cô con gái rất đẹp. Trong làng có bao nhiêu chàng ngấp nghé muốn hỏi, nhưng chẳng ai lấy được. Ấy là vì ông lão ra một điều kiện kén rể rất dễ mà lại rất khó: ai lười nhất thì sẽ gả con gái cho. Các anh lười trong làng đều đến thi tài, rốt cuộc chẳng anh nào lấy nổi cô con gái nọ. Lão rất phiền lòng, than cho con gái mình phận mỏng. Một hôm, hai bố con lão đang ngồi ở thềm nhà thì thấy một anh áo quần xốc xếch đi giật lùi từ cổng vào. Thấy cung cách kỳ dị như thế, lão liền phì cười hỏi:
-Ngoảnh mặt lại đây xem nào! Sao lại đi cái kiểu lạ lùng như vậy?
Anh kia vẫn không ngoảnh mặt lại, nói:
-Nếu ông không bằng lòng cho tôi lấy con gái ông thì tôi cứ thế mà đi, khỏi phải mất công quay lại.
Lão thấy anh này lười đến thế là cùng, bèn gả con cho.



59. VỪA BUỒN CƯỜI VỪA SỢ

Một lão có con gái lớn sắp gả chồng. Một hôm, lão gọi một anh trai trai làng có tiếng là láu lỉnh đến bảo:
-Anh làm thế nào cho cả nhà ta vừa buồn cười vừa sợ thì ta gả con gái cho.
Anh này nhận lời, và giao hẹn với ông lão là phải giữ đúng lời hứa.
Anh ta về nhà giết một con dê, đem đến nhà ông lão, chờ mọi người ngủ say, lẻn vào buồng cô gái, để bộ lông dê lên bụng rồi lại lẻn sang buộc hai hòn dái dê vào cổ ông lão và trải trước buồng lão tấm da dê còn tươi. Sau đó xuống bếp để đầu dê vào phía sau ba ông dầu rau, nhét cái kèn vào ống thổi lửa và đặt một chiếc pháo tống trong dĩa dầu ta thay bấc.
Xong anh ta trở lại buồng cô gái, lấy kim khẽ chích vào bụng cô ta. Thấy đau cô kia giựt mình, đưa tay lên bụng, thì sờ phải bộ lòng, khiếp quá vội kêu lên:
-Bố ơi, muỗi đốt con lòi ruột ra rồi !
Ông lão nghe, hoảng hồn, vùng dậy, chạy ra cửa, giẫm phải tấm da dê ngã đánh oạch một cái, lại sờ lên cổ thấy hai hòn dái, hết vía vội kêu lên:
-Bà ơi, tôi ngã thọt dái lên cổ rồi !
Bà lão vội vàng trở dậy, bưng dĩa đèn chạy xuống bếp lấy lửa, cầm cái ống thổi, thổi, cứ nghe toe toe...lửa sáng, nhìn lên thấy ông lão nhe hai hàm răng nhăn nhở, bà lão sợ quá, chắp tay vừa lạy vừa nói:
-Xin ông, giận gì tôi mà nhăn răng ra vậy !
Ông lão trên nhà đợi lâu, thét lên:
-Con lòi ruột, chồng thọt dái, không nhanh chân lên, còn vui nỗi gì mà thổi kèn!
Bà lão vội vã châm lửa vào đèn thì nghe "đùng" một tiếng vang nhà. Mọi người lại bị một mẻ kinh hồn, van lạy xin trời đừng giáng họa.
Lúc ấy anh kia mới chạy ra, châm đèn lên. Cả nhà nhìn nhau, ôm bụng cười, nhưng vẫn chưa hoàn hồn.



60. TÀI ĂN CỨT CHÓ

Một ông nọ có cô con gái khá xinh, nhiều trai làng muốn hỏi làm vợ. Ông cụ liền thách:
-Đứa nào ăn được ba bãi cứt chó thì tao gả con gái cho.
Bên hàng xóm có một anh nhận lời. Đêm ấy, anh ta mua mật và bôi bột về nấu ba bát chè lam, đổ làm ba đống trên mấy chiếc là trong vườn nhà ông cụ. Sáng hôm sau, khi mọi người đến chứng kiến, anh ta liền ra vườn hốt từng đống "cứt chó" ăn rất ngon lành. Chỉ loáng một cái hết cả ba đống. Ai nấy lắc đầu le lưỡi phục hắn. Hai ông bà cũng chịu anh ta tài, nhưng lại hối hận, vì thực chưa muốn gả chồng cho con gái vội, tưởng thách thế thì bọn trai làng sẽ bó tay. Không ngờ lại gặp phải thằng bất trị này. Hai ông bà bàn với nhau cố ý lảng ra, không gả con cho anh ta. Biết thế, anh ta liền nói với vợ chồng ông cụ:
-Ông bà đã hứa thì phải giữ lời. Có cả làng làm chứng cho tôi. Nhược bằng ông bà không muốn gả con cho tôi thì phải ăn cứt chó giống như tôi, tôi mới chịu.
Hai vợ chồng ông cụ nói với nhau:
-Chắc cứt chó không khó ăn lắm thì một lúc nó mới ăn được ba đống như thế chứ !
Rồi nhận lời sẽ ăn cho anh ta xem. Anh ta liền ra vườn hốt một đống cứt chó thật để lên bàn. Ông cụ ngửi đã lợm giọng, đến lúc nhắm mắt lại liền nếm một tí thì không sao chịu được, nôn ọc mãi, đành phải gả con cho anh ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Blogroll

Site Info

Text

Thachsungxanh Copyright © 2009 WoodMag is Designed by Ipietoon for Free Blogger Template