Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

kho tàng truyện cười Việt Nam! 5

 
81. CHÓ THUI

Mấy thầy đồ nói chuyện với nhau về chữ nghĩa văn chương. Có thầy kể chuyện ông trạng Nguyễn Hiền đời Trần mới lên tám tuổi đã đối đáp được với sứ Trung quốc. Sứ Trung quốc sang ta, thử tài người nước ta, đọc bài thơ:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
(Hai chữ nhật ngược xuôi đều là chữ nhật)

Tứ sơn điên đảo sơn
(Bốn chữ vương tranh nhau ở một nước)
Tứ khẩu tung hoành gian
(Bốn chữ khẩu dọc ngang đều là chữ khẩu)
Không ai biết chữ gì. Chỉ có trạng Hiền biết, trả lời đó là chữ điền, nghĩa là ruộng. Mọi người tấm tắc khen.
Một anh ngồi nghe lỏm cũng hỏi ghé vào:
-Các thầy hay chữ, tôi xin đố các thầy:
"hai nghệ hai bên, khuyển trên hỏa dưới, là chữ gì?"
Các thầy đồ bí nhìn nhau.
Anh kia nói:
-Thưa là chữ "chó thui" !!!



82. CHỈ TIÊU NHỮNG CHỮ LẺ

Có ông thầy đồ dốt, nhưng lại muốn học trò đến đông nên hay xổ chữ. Ai đến chơi ngồi chuyện là ông ta tìm cách nói sao cho được vài câu chữ nho, tuôn ra hàng tràng những "chi hồ giả dã", ra vẻ ta đây học thông lắm chữ.
Bà vợ ở trong nhà, nghe mãi, sốt ruột, một hôm ngồi ăn cơm, bảo khẽ chồng:
-Ông ạ! Ông có một dúm chữ thì để lận lưng làm vốn, chứ gặp ai ông cũng vung vãi ra như thế còn gì nữa mà làm ăn !
Ông ta mắng vợ:
-Bà biết gì mà nói ! Chữ của thánh hiền chứ có phải tiền bạc đâu, cứ tiêu là hết. Với lại, đó là mấy chữ lẻ, còn vốn của tôi thì tôi xếp trong bụng này kia mà ! Tôi chỉ tiêu những chữ lẻ đấy chứ !



83. NGỬI VĂN

Một người mù chỉ ngửi văn mà biết được văn hay hay dở. Có ông tú đưa bộ Tây sương ký ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
-Tây sương ký đây mà !
Ông tú hỏi:
-Sao biết?
-Ngửi có mùi phấn sáp.
Ông tú lại đưa pho Tam quốc chí ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
-Tam quốc chí đây mà!
Ông tú hỏi:
-Sao biết?
Người mù nói:
-Ngửi có mùi binh đao.
Ông tú mới đem chính tập văn của mình ra hỏi. Người mù ngửi rồi bảo:
-Văn này của ông chứ gì?
Ông tú hỏi:
-Sao biết?
Ông mù nói:
-Ngửi có mùi thum thủm.



84. RẮM QUÍ

Một anh tú tài hay chữ mà cũng xu nịnh. Khi chết xuống âm phủ, anh khai với Diêm vương:
-Tôi ở đất Bắc hay chữ nổi tiếng một thời.
Diêm vương nghe thấy anh ta khoe khoang như vậy, bật cười và bật cả rắm.
Anh tú tài liền ứng khẩu một bài chúc tụng:

Đền ngọc ngai cao
Mộng vàng rắm quí
Êm như tiếng sáo tiếng thiều
Mường tượng mùi lan mùi huệ
Đã nên hương xạ thơm tho
Lại thoảng giọng đàn rủ rỉ
Có phen đại pháo nổ mừng xuân
Thật sánh được với địa lôi phá lũy
Chúa ngồi trên bệ, đã đành mở cửa năm xe,
Tôi ở dưới thềm, cũng được nhờ hơi một tí.



85.PHẢI HỌC GÌ NỮA

Xưa có ông thầy đồ lười, tiếng đồn khắp nơi, đến nỗi không ai dám cho con đến học cả. Thế mà lại có anh nọ đem trầu cau đến xin học.
Thầy mới bảo trò:
-Nhà ta không có án thư, con xem nhà ai có mượn tạm một cái về đây để ta lễ thánh.
Trò vội trình thầy:
-Thưa thầy, đi mượn rồi phải trả lôi thôi. Để con xin cúi lưng làm cái án thư, thầy đặt trầu cau lên đấy lễ thánh cũng được.
Thầy nghe nói chắp tay vái trò:
-Con khá hơn thầy nhiều rồi, còn phải học thầy làm gì nữa.



86. TRÒ HƠN THẦY

Một anh học trò rất hà tiện, học một thầy đồ cũng rất hà tiện. Một hôm, thầy đồ có giỗ, anh học trò phải đến phục dịch. Thầy sai ra chợ mua cái bánh đa về cúng. Anh học trò đi chơi một lúc, mang về một xâu bánh đa và một con gà. Thầy ngạc nhiên hỏi:
-Bảo mày đi mua bánh đa, sao lại mua thêm gà, hoang phí thế.
Trò trả lời:
-Con mua thế này là con đã tính kỹ lắm rồi ! Thầy trò ta ăn bánh đa thế nào cũng rơi vãi. Con mua gà về để nhặt những mảnh rơi cho khỏi phí.
Thầy gật gù:
-Khá đấy !!!



87. LẤY ĐÂU RA MÀ RẶN

Có anh học trò nọ, thầy cho ra đối một vế câu đối thật khó. Anh ta nghĩ mãi hai ba ngày đêm mà vẫn không ra, cứ hết đứng lại ngồi thở vắn than dài.
Vợ thấy thế thương hại mới hỏi:
-Tôi hỏi thế này khí không phải, chứ làm câu đối có khó bằng tôi rặn đẻ không anh?
-Chồng phì cười đáp:
-Trời ơi ! Mình thật ngớ ngẩn quá ! Đẻ thì còn có con ở trong bụng, rặn mãi nó phải ra. Chứ làm câu đối, chữ đã không có lấy đâu ra mà rặn.



88. VIÊN LÀ TRÒN

Có cậu học trò trí nhớ kém quá, học chữ Viên là tròn, đọc luôn mồm mà vẫn quên nghĩa. Hỏi mãi sợ thầy gắt, cậu bèn lấy đất nặn một viên tròn để dễ nhớ.
Vừa học cậu vừa gõ nhịp chân:
-Viên là tròn, viên là tròn.
Học một lúc cậu ta quên và đọc:
-Tròn là viên, tròn là tròn.
Lầm lẫn quá, cậu vội cầu cứu đến viên đất để dễ nhớ. Nhìn viên đất cậu đã dẫm bẹt từ bao giờ, cậu ta đọc:
-Bẹt là bẹt, bẹt là bẹt.



89. MUA KÍNH

Anh nọ dốt đặc cán mai, thấy các ông già bà cả mang kính xem sách, bắt chước ra chợ hỏi mua một đôi. Vào hiệu, bảo chủ hiệu lấy ra cho anh ta chọn. Anh ta đeo kính vào, lấy cuốn lịch đem theo ra xem, xem xong lại bảo chủ hiệu cho chọn đôi khác. Chủ hiệu chiều ý, chọn cho anh ta năm sáu đôi, nhưng đôi nào anh ta cũng không ưng ý. Chủ hiệu bèn chọn một đôi tốt nhất trong hiệu đưa ra. Anh ta đeo vào, lại lấy cuốn lịch ra xem, vẫn lắc đầu chê xấu. Chủ hiệu lấy làm lạ, liếc thấy anh ta cầm cuốn lịch ngược mà xem, sinh nghi , liền hỏi:
-Sao đôi nào ông cũng chê xấu cả?
Anh ta đáp:
-Xấu thì bảo xấu chứ sao ! Kính tốt thì tôi đã xem chữ được rồi !
Chủ hiệu nói:
-Hay là ông không biết chữ?
Anh ta đáp:
-Biết chữ thì đã không cần mua kính !!!!!



90. NAM MÔ CHUỲNH

Xưa có ba anh học trò, một hôm ăn canh lươn thấy ngon cứ tấm tắc khen mãi. Rồi sau đó sinh chữ, nên ba anh bàn với nhau:
-Lươn là giống quý thế mà xưa nay chưa có chữ gì để đặt tên cho nó cả. Hay là ba anh em ta nghĩ đặt cho nó một cái tên chữ thật hay, họa sau này thiên hạ chép vào sử sách chăng !
Một anh liền nói:
-Con lươn vốn ở dưới nước, đặt tên cho nó chữ gì có "ba chấm thủy".
Anh thứ hai nói tiếp:
-Nó thường hay chui dưới bùn, vậy phải đặt cho nó chữ gì có bộ "thổ " nữa.
Anh thứ ba:
-Nó có cái đuôi cong cong, tôi nghĩ thêm cho nó một chữ cong cong như chữ "tư".
Đặt xong, ba anh liền ghép lại thành ra chữ "pháp" nhưng cả ba anh không biết chữ gì.
Ba anh lại bàn với nhau:
-Chữ đủ nét rồi, nhưng lại phải đặt âm gì nghe cho nó giòn một tí, thì thiên hạ mới chịu theo.
Bàn tán mãi, cuối cùng ba anh đặt cho cái chữ ấy âm là "chuỳnh". Con lươn quý hóa bây giờ có chữ viết là " pháp" lại có âm đọc là " chuỳnh". Nghĩa sâu xa, âm đọc nghe kêu, ba anh đắc chí cười.
Bỗng có nhà sư đi qua, thấy ba người cười thích chí mới ghé vào hỏi. Ba anh liền đem câu chuyện kể lại cho nhà sư nghe. Nghe xong, nhà sư trông khổ não lắm. Ba anh lấy làm ngạc nhiên hỏi:
Nhà sư đáp:
-Bần tăng ăn mày cửa Phật hơn ba mươi năm nay vẫn tụng niệm rằng:
"Nam mô pháp. Phật pháp tinh thông..." mà thôi.
Bây giờ nghe các thầy dạy cho mới biết không phải là Nam mô pháp, Phật pháp tinh thông.....; mà là Nam mô chuỳnh, Phật chuỳnh tinh thông....
Vậy thì A di đà Phật, Nam mô Phật, nam mô chuỳnh, nam mô lươn, nam mô tăng, Phật chuỳnh tinh thông, Phật lươn tinh thông.... Thế thì tôi cũng chết mất.




91. VỊNH CẢNH ĐỀN

Bốn anh học trò vãng cảnh đền. Xem quanh một lúc, bốn anh cùng cao hứng làm thơ. Anh thứ nhất thấy tượng Quan Công liền xuất khẩu đọc:
-Hán Vương ăn ớt mặt đỏ gay.
Anh thứ hai nhìn sang bên cạnh, thấy tượng Quan Bình nói luôn:
-Bên kia Thái tử đứng khoanh tay.
Anh thứ ba thấy tượng Châu Xương đọc tiếp:
-Thằng mọi râu ria cầm cái mác.
Anh thứ tư thấy con hạc cỡi trên lưng rùa mới kết rằng:
-Con cua nằm dưới chú cò gầy !!!



92.THƠ CÁI CHUÔNG

Bốn chàng kia vẫn tự đắc làm thơ hay. Một hôm lên chùa thấy cái chuông mới rủ nhau cùng họa.
Anh thứ nhất ngâm:
-Chùa này có cái chuông...
Anh thứ hai nối theo:
-Đánh tiếng kêu boong boọng,
Anh thứ ba:
-Treo lên như cái vại.
Anh thứ tư:
-Ấy nó vốn bằng đồng.
Làm xong, bốn anh ngâm đi ngâm lại mãi, tấm tắc khen hay. Bỗng một anh giật mình nói:
-Chết rồi ! Tôi nghe nói Vương Bột (một nhà thơ nổi tiếng thời Đường ở Trung quốc) ngày xưa mười bảy tuổi làm bài "Đằng Vương Các" hay quá, tinh hoa phát tiết cả ra ngoài nên chết non. Bây giờ, bốn anh em mình làm bài thơ cái chuông có chiều hay hơn, có lẽ phải chết ngay bây giờ chứ chẳng chơi.
Anh thứ hai nghe nói đâm lo:

-Nếu chết bây giờ, đường xá xa xôi như thế này, thì làm thế nào?
Anh thứ ba nhanh nhẩu:
-Các anh không phải lo, tôi thấy trong chùa có mấy cỗ thọ đường (quan tài), ta thử vào hỏi mua, may ra nhà chùa để lại cho.
Bốn anh em liền dắt nhau vào hỏi nhà sư để mua. Nhà sư thấy lạ hỏi:
-Các thầy mua thọ đường về làm gì?
Bốn anh kia mới thuật lại đầu đuôi câu chuyện và đọc luôn bài thơ cho nhà sư nghe......Nghe xong nhà sư liền bảo chú tiểu vào khiêng ra năm cỗ.
Bốn anh kia ngạc nhiên:
-Chúng tôi chỉ mua có bốn cỗ thôi mà !
Nhà sư đáp:
-Vâng vâng, còn cỗ thứ năm là của tôi. Nguyên là ngày xưa tôi trót phát nguyện một câu: "thằng nào dốt thơ hơn ông thì ông chết". Bây giờ số tôi đã đến, nên trời Phật mới dun dủi cho tôi gặp bốn ông đây.



93. TỨC CẢNH SINH TÌNH

Ba thầy đồ đi chơi, có một thằng nhỏ theo hầu. Mùa xuân phơi phới, tức cảnh sinh tình, ba thầy cao hứng rủ nhau làm thơ.
Chợt trông thấy cái tháp chuông ở đằng xa, một thầy ứng khẩu:
-Viễn viễn nhất cái tháp (Xa xa có một cái tháp)
Hai thầy kia nức nở khen hay, nhưng nghĩ mãi chưa ra câu tiếp. Đi đến tận nơi, một thầy mới hạ được câu:
-Cận cận nhất cái tháp (Lại gần có một cái tháp)
Thầy thứ ba gật đầu lia lịa khen:
-Hai thầy tức cảnh như thế, thật là hết cả cái hay rồi, tôi chịu không sao tiếp được nữa.
Nhưng vào trong chùa, trông thấy cái chuông, thầy cũng muốn trổ tài, liền bảo:
-Hay bây giờ ta lại làm thơ cái chuông này vậy.
Rồi thầy ngâm:
-Vừa bằng cái chõ đen thò lõ.
Thầy "viễn viễn" bóp đầu bóp trán maĩ mới ra được một câu:
-Treo lên rõ ràng một cái nơm
Ba thầy khen nhau hay, nhìn nhau cười, khoái trá. Thằng nhỏ thấy thế cũng cười và thưa với ba thầy:
-Con được đi hầu ba thầy đã lâu, nhờ cái văn tứ dồi dào của các thầy, con cũng xin mạn phép gọi là nối điêu (ý nói họa theo) cho đủ bài.
Ba thầy đang vui liền cho phép. Thằng nhỏ mới ngâm rằng:
-Tháo xuống, có thể úp con chó.



94. THƠ VỊNH CON CHÓ

Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là học trò nghèo, thương hại bảo:
-Có phải học trò thì ta ra thơ " Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng.
Anh học trò nghĩ hồi lâu đọc:
-Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo
-Thương ôi con chó ngỡ con mèo
Quan huyện nghe xong phán:
-Học trò thật ! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.
Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo.
Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:
-Tiền gạo đâu ra thế?
Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc liền đọc:
Thoạt thấy chúa nhà ngoe nguẩy đuôi
Thương ôi con chó ngỡ ông trời !
Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra.



95. GHEN

Một anh học trò có tính hay ghen muốn thử lòng vợ. Tối đến anh ta ngồi núp một xó, đợi vợ đi qua rồi chạy ra ôm chầm lấy. Vợ giật mình kêu lên. Anh ta mừng lắm nói:
-Rõ thật phúc nhà mình. Được người vợ trinh tiết.
Một hôm, xem sử đến chỗ Tần Cối giết Nhạc Phi, anh ta giận lắm. Trên tay đang cầm cái chén, anh ta quăng xuống đất vỡ tan. Vợ thấy thế nói:
-Cả nhà có mười cái chén, đập mất chín rồi, còn cái này lại đập nốt, lấy gì mà uống nước?
Anh ta nghe nói, trợn mắt quát to lên:
-À à, mình bênh thằng Tần Cối à ! Hay là mình đã thông dâm với nó !!!



 
 
 
 
 
 
 
 
 
..............END............



Your Ad Here

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Blogroll

Site Info

Text

Thachsungxanh Copyright © 2009 WoodMag is Designed by Ipietoon for Free Blogger Template