Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

kho tàng truyện cười Việt Nam! 4

61. MẤT MÌNH

Quan huyện sai tên lính lệ giải một nhà sư lên tỉnh. Tên lính có tính hay quên, lúc ra đi sợ quên, cứ nhẩm đi nhẩm lại mãi :

-"Khăn gói đây, ô đây, gông đây, trát đây, sư đây, mình đây. Khăn gói đây, ô đây,..........."
Nhà sư biết thế, lừa tên lính vào quán, mua rượu cho uống thật say, rồi lấy dao cạo đầu, tháo gông đeo vào cổ anh lính lê. Xong trốn mất.

Một lúc tên lính tỉnh dậy, soát cả lại một lượt, miệng lại lẩm nhẩm:
-Khăn gói đây, ô đây, (sờ vào túi) trát đây, (sờ lên vai) gông đây. Bỗng anh ta kêu to lên:
-Còn nhà sư đi đâu mất rồi?
Anh ta cuống quít sờ tai vò đầu. Khi vò đầu, thấy đầu trọc lóc, anh ta mừng lắm, reo lên:
-À nhà sư đây rồi !
Bỗng anh ta như sực nhớ ra điều gì, than thở:
-Quái ! Chỉ có mình đâu mất không thấy !



62. CÂY BẤT Ở BỂ ĐÔNG

Có một ông thầy dốt, dạy học trò học Tam tự kinh đến câu: "Phàm huấn mông"(*) thì thầy không biết nghĩa là gì, cứ dạy bừa rằng:
-Phàm là ông Phàm, Huấn là ông Huấn, Mông là ông Mông.
Trẻ cứ thế mà gào.
Đến bài khác, có chữ "Bôi" là cái chén, thầy cũng bí, thấy có chữ "Mộc" đứng bên chữ "Bât" nên thầy mới dạy:
-Bất là cây bất.
Học trò hỏi:
-Thưa thầy cây bất nó như thế nào ạ !
Thầy nghe hỏi vội mắng át đi:
-Cây bất ở tận ngoài bể Đông, chúng bay biết thế nào được mà hỏi !
Ở cạnh trường, có người đàn bà biết chữ, nghe thầy dạy láo mới hát ru con rằng:
-Ai trông cây bất bể Đông?
-Hay là ông Huấn, ông Mông, ông Phàm !
(*)Chú thích: Phàm huấn mông nghĩa là "Phàm dạy học"



63. NGƯU LÀ CON BÒ TÓT

Một thầy đồ dốt, ngồi dạy học ở nhà nọ. Có nhiều chữ thầy không biết, nên phải đi hỏi người ngoài rồi mới về dạy lại.
Một hôm dạy đến chữ "bôn" nghĩa là chạy, chữ không in lối thường mà in lối cổ, thấy ba chữ " ngưu" chồng lên nhau, đoán mãi không ra chữ gì, mới hỏi dò người ta:
-Có giống gì khoẻ bằng ba con trâu không nhỉ?
Có người bảo:
-Có giống bò tót.
Thầy về dạy học trò:
-Ngưu là con bò tót.
Một hôm khác, thầy lại dạy đến chữ " đinh", mặt chữ thì biết, mà nghĩa thì lại không hay, nhưng vội quá không kịp đi hỏi. Thấy chữ viết giống như cái giằng cối xay, thầy bèn dạy liều:
-Đinh là giằng cối xay.
Nhà chủ thấy thầy dốt quá, đành mời thầy cắp tráp ra cửa và đọc tiễn thầy một bài thơ:
Ngưu là con bò tót
Đinh là giằng cối xay
Thầy dạy hay chữ quá !
Xin thầy về đi cày....



64. TAM ĐẠI CON GÀ

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam Thiên Tự, sau chữ " tước" là chim sẻ, đến chữ "kê" là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: Dủ dỉ là con dù dì.
Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khe khẽ, tuy vậy trong lòng thầy vẫn thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương (1) để xem chữ ấy có phải thật là "dù dì" không. Thổ công cho ba đài được cả ba.
Thấy vậy thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
-Dủ dỉ là con dù dì.... Dủ dỉ là con dù dì....
Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:
-Chết chửa ! Chữ "kê" là gà, sao thầy lại dạy ra "dủ dỉ" là con "dù dì"?
Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: " Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:
-Tôi vẫn biết, chữ ấy là chữ kê mà kê nghĩa là gà, nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho nó biết tận tam đại con gà kia.
Nhà chủ càng không hiểu hỏi:
-Tam đại con gà nghĩa là làm sao?
-Thế này nhé ! Dủ dỉ là "chị con công", con công là ông con gà.



65. NGƯỜI CHẾT NHẦM THÌ CÓ

Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà nọ. Vợ chủ nhà chết, chủ nhà nhờ thầy làm cho một bài văn tế. Thầy liền sao ngay bài văn tế bố mình cho chủ nhà. Lúc đọc lên mọi người cười ầm. Chủ nhà trách thầy:
-Sao thầy lại nhầm như thế?
Thầy trừng mắt cãi:
-Văn tế thì làm sao nhầm được ! Họa chăng, người nhà ông chết nhầm thì có !



66. VẪN CHI HAI QUAN

Một nhà đón thầy đồ về dạy trẻ. Thầy mặc cả với nhà chủ phải nuôi cơm ăn áo mặc, và cuối năm phải tiễn chân sáu quan tiền. Nhà chủ bằng lòng, nhưng lại giao hẹn là hễ thầy đọc sai một chữ là phải trừ một quan.
Một hôm, thầy dạy sách Đại học, đọc cho trò câu:
-"Ư hi! Tiền vương bất vong "
Nhà chủ nghe liền chạy ra bảo:
-Thôi chết rồi ! " Ô hô" cớ sao lại dạy là " Ư hi"? Thầy sai hai chữ xin trừ hai quan.
Thầy biết mình sai, đành ngậm miệng không dám cãi. Cách mấy tháng sau, dạy đến sách Sử ký, đoạn nói về Hán Cao Tổ, thầy trông thấy hai chữ " Ư hi" giật mình nhớ lại bận trước, chỉ vì "Ô hô" dạy ra "Ư hi" mà bị trừ hai quan, nên thầy đọc:
-"Cao Tổ lạc, ô hô mạn "
Nhà chủ nghe lại chạy ra bảo:
-"Ư hi" sao thầy lại dạy là " Ô hô", thầy sai hai chữ nữa xin trừ bốn quan (1)
Thầy biết là nhầm không dám nói gì. Đến tết, thầy đồ ra về, nhà chủ đưa có hai quan. Vợ thầy đồ khôn ngoan hơn, đến nói với nhà chủ:
-Bận trước hai chữ "Ô hô" nhầm là "Ư hi", bận sau "Ư hi" nhầm là "Ô hô" tuy bốn chữ nhưng thật chỉ có sai hai. Vì chữ nọ đọc nhầm chữ kia mà thôi, tưởng chi nên trừ hai quan là được rồi.
Nhà chủ cũng dễ tính, bằng lòng, liền sai người vào nhà lấy thêm hai quan nữa trả cho thầy.
Thầy đồ mừng quá vỗ đùi nói:
-Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung.
Nhà chủ lại nói:
-Thôi, thôi lại nhầm hai chữ nữa rồi: "Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng" (2) mới phải chứ !
Nói xong lại bảo cất hai quan tiền đi.

************************************************** ******

(1) (2): Hai chữ này viết giống nhau tùy từng chỗ âm đọc khác nhau



67. KHÔNG PHẢI NUÔI CHÓ

Có thằng kẻ trộm, một hôm vào rình nhà thầy đồ. Hắn đang hì hục khoét vách đằng trước thì thầy đồ xem cổ văn vừa đến bài Tiền Xích Bích Phú, nhưng thầy lại đọc nhầm là "Tiền diệc bích tặc" (*) (phía trước cũng có trộm).
Tên kẻ trộm nghe tưởng thầy bảo đuổi mình, vội co cẳng chạy. Nhưng được một khoảng không thấy ai đuổi theo, hắn mới trở lại, vào khoét vách đằng sau. Lúc bấy giờ thầy lại đọc là: " Hậu diệc bích tặc" (phía sau cũng có giặc). Thằng kẻ trộm nghe sởn tóc gáy, đâm đầu chạy, vừa chạy vừa nghĩ thầm:
-Quái lạ, cái ông thầy này sao mà tinh thế ! Ai có phúc đón được thầy về dạy học thì không cần phải nuôi chó giữ nhà.



68. ĐÔI CÂU ĐỐI CHỌI

Thầy đồ thường dạy học trò đã đối thì phải đối cho chọi mới hay. Một hôm, thầy ra một vế đối:
"Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc" (thần nông dạy dân trồng ngũ cốc)
Tất cả học trò đang ngơ ngác chưa biết đối thế nào, thì anh học trò nọ gãi đầu gãi tai:
-Thưa thầy, chữ "thần" con xin đối với chữ "thánh" , có chọi không à?
Thầy gật đầu:
-Được lắm !
Anh ta lại hỏi:
-Chữ "nông", con đối với "sâu", có chọi không ạ?
Thầy nói:
-Được lắm !
Anh ta lại hỏi tiếp:
-Chữ "giáo" đối với "gươm", "dân" đối với "vua", có chọi không ạ?
Thầy gật đầu:
-Được lắm ! Được lắm !
Anh ta lẩm nhẩm: " nghệ " đối với "gừng", "ngũ" đối với "tam", "cốc" đối với "cò".
Cuối cùng anh ta xin đọc:
-Bây giờ con xin đối ạ !
Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc
Con xin đối là:
Thánh sâu gươm vua gừng tam cò



69. THẦY ĐỒ ĂN VỤNG CHÈ

Có một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia. Một hôm, nhà chủ có giỗ, nấu chè bày ngay trước mắt. Thầy thèm quá không nhịn được, nhân lúc nhà chủ mải bận, thầy ăn vụng luôn mấy bát. Chủ nhà biết, nhưng nể không dám nói gì, sợ thầy thẹn mà đi mất.
Đêm đến, thầy đau bụng quá, muốn đi ngoài, nhưng lại ngại chó dữ. Túng thế, thầy mở tráp ra tương ngay vào đấy.
Sáng hôm sau, mờ mờ đất, thầy đã dậy cắp tráp đi, định ra ngoài ao quẳng cho mất tích.
Chẳng ngờ nhà chủ cũng dậy sớm, thấy thầy cắp tráp tưởng thầy ăn vụng chè, có ai nói gì, thẹn mà bỏ đi chăng, vội vàng chạy cố lưu thầy lại.
-Thầy đi đâu sớm thế?
-Tôi đi ra đằng này một lúc, xin về ngay.
-Thầy đi có việc gì mà mang cả tráp. Hay là xin thầy để tráp lại đây.
-Ấy không ! Tôi phải mang cả tráp đi, có chút việc cần.
-Thế thầy dọn đi thẳng hay sao? Thầy đến đây chỉ có cái tráp mà thầy lại mang cả tráp đi thì tôi không nghe. Thôi xin mời thầy trở lại.
Nói rồi giằng lấy cái tráp. Thầy đồ sợ quá, cứ giữ riết, hai bên giằng co nhau, không may tuột tay, tráp rơi xuống đất, c*'c bắn tung toé !



70. THẦY ĐỒ LIẾM MẬT

Có một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia. Nhân một buổi vui mừng, chủ nhà khao một chầu bánh rán mật. Thầy ăn hết bánh rồi mà vẫn thòm thèm, nhìn thấy đĩa hãy còn nhiều mỡ với mật, tiếc lắm, nhưng chả nhẽ trước mặt bao nhiêu trò, mà thè lưỡi liếm thì sao tiện. Thầy nghĩ mãi, bỗng nảy ra được một kế, liền ngồi ngay ngắn lại, một tay chống tráp, tay kia nhịp roi mây vun vút vừa rung đùi vừa dõng dạc truyền với học trò:
-Này ! Bây giờ ta ra cho các con chữ này, đứa nào không nói được, ta đánh đòn, nghe không !
Học trò vội vàng ngồi lại ngay ngắn, chú mục vào thầy lo lắng.
Thầy rung đùi, ung dung liếm ngang một đường giữa đĩa và hỏi:
-Chữ này là chữ gì?
Học trò ngơ ngác, nhìn nhau buồn cười mà không dám hé răng... Thầy được thể quát:
-Chữ nhất mà cũng không biết, chúng mày dốt quá !
Nhìn lại trong đĩa, thấy vẫn còn nhiều mật, thầy bèn liếm dọc một đường nữa, rồi giơ lên hỏi:
-Thế chữ này là chữ gì?
Học trò nhìn nhau xanh mắt. Thầy nhịp roi đánh "vút" một cái rồi quát:
-Đồ cơm toi ! Chữ "thập" biết không !
Nhưng vẫn còn mật, thầy lại rung đùi liếm một vòng quanh đĩa và hỏi:
-Chữ này nữa là chữ gì? Đứa nào không nói được thì toa cho ăn đòn.
Cả lớp im phăng phắc... Thầy quất roi vun vút xuống giường và thét:
-Chữ điền mà cũng không thằng nào biết cả !
Nhìn vào đĩa, đã sạch nhẵn, thầy liền bỏ xuống truyền:
-Thôi cho chúng bay nghỉ !!!




71. THÁI CỰC SINH LƯỠNG NGHI

Có nhà giàu nọ chỉ có một cậu con trai, nên rất cưng. Muốn cho đi học, lại sợ con ra trường, các đứa trẻ khác bắt nạt. Bố mẹ thằng bé kiếm một ông thầy đồ về tận nhà kèm.
Chẳng may gặp phải thầy đồ hay ăn dỗ trẻ. Một hôm mẹ thằng bé đi chợ mua cho con một chiếc bánh đa đường rất ngon. Thằng bé cứ ôm chiếc bánh chần chừ chưa dám ăn vì tiếc.
Thầy đồ trông thấy gọi:
-Đem bánh lại đây thầy tập nghĩa (cũng như giảng nghĩa) cho nghe.
Thằng bé đem lại. Thầy để bánh trên bàn nói:
-Ngôi thái cực là như vậy.
Rồi thầy bẻ chiếc bánh ra làm hai và nói:
-Thế này là thái cực sinh lưỡng nghi.
Xong bẻ chiếc bánh ra làm bốn nói:
-Lưỡng nghi sinh lại sinh ra tứ tượng.
Đoạn thầy bỏ bánh vào mồm vừa nhai vội vàng vừa nói:
-Tứ tượng biến hóa vô cùng.
Thằng bé trố mắt nhìn, rồi lăn đùng ra khóc dãy chân đành đạch.
Chú thích: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, là một câu trong Kinh dịch



72. BÁNH TAO ĐÂU?

Có một thầy đồ, vốn tính tham ăn. Bữa nọ, có người mời đi ăn cồ, thầy cho một cậu học trò nhỏ đi theo hầu.
Đến nơi thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người xung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm chiếc bánh thản nhiên đưa cho học trò và bảo:
-Này con cầm lấy.
Vừa đưa, vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy.
Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn.
Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Đến lúc ra về, thầy vẫn còn tiếc mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò.
Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:
-Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước, thầy lại gắt:
-Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò tụt lùi lại sau, thầy lại quát:
-Tao có phải là thằng tù đâu mà đi sau áp giải.
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
-Bẩm con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?
Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:
-Thế bánh tao đâu?



73. ĐÃ CÓ THẦY GIỮ NHÀ HỘ

Có một thầy đồ rất nhát, ngồi dạy học trò ở nhà kia. Một đêm, thầy muốn đi đồng, nhưng phần sợ ma, phần sợ chó, thầy không dám mở cửa đi ra ngoài. Đến lúc mót quá, không tài nào nhịn được nữa thầy liền đánh liều đào một cái hố ở kẽ vách rồi tương vào đấy.
Sáng hôm sau, biết không dấu được, thầy bèn gọi chủ nhà lại, chỉ vào cái hố, nói:
-Đêm hôm qua, trộm nó đào gạch nhà ta. Tôi biết, tôi đợi lúc nó thò đầu định chui ra, tôi ỉa lên đầu nó một bãi. Nó sợ quá bỏ chạy mất.
Chủ nhà biết tính thầy nhát, đoán ngay rằng thầy nói láo, đã ỉa bậy ra nhà mà còn chực bịp mình. Ông ta mới gọi đông đủ cả nhà lại và bảo rằng:
-Nhà ta nuôi một đàn chó, rặt đồ ăn hại. Đêm qua, trộm nó vào đào ngạch, thế mà cả bầy chó không con nào biết. May có thầy, không thì khốn ! Thôi đem mà giết thịt cả đi. Từ giờ đã có thầy giữ nhà hộ.



74. HỎI ĐƯỜNG LÊN TRỜI

Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà bà nọ. Bà ta chỉ có một trai và một gái. Đêm đến, phải nhường cho thầy và con trai ngủ trên nhà, còn bà và cô gái phải ngủ dưới bếp.
Thầy đồ bụng muốn tòm tem. Một hôm, nhân lúc cả nhà đã đi ngủ, thầy lò dò xuống bếp. Bất đồ, bà chủ nhà tỉnh giấc hỏi:
-Ai đó?
-Tôi.
-Tôi là ai?
-Thầy đồ đây mà!
-Đêm hôm thầy xuống bếp làm gì?
-Tôi..... xuống lấy vài cái rế để đựng sách.
Cách mấy hôm sau, thầy lại mò mẫm, trèo lên mái nhà bếp. Đang dỡ tranh để tụt xuống, bỗng nghe tiếng bà chủ hỏi :
-Ai trên kia?
-Tôi đây mà !
-Tôi là ai?
-Thầy đồ đây mà !
-Thầy leo lên trên ấy làm gì thế?
-Tôi hỏi thế này khí không phải.......... Có phải đường này là đường lên trời không?..............



75. VỀ BẢO CÁI THẰNG THẦY MÀY ĐỪNG CÓ NÓI DỐI !

Một thầy đồ hay ngủ ngày, nhưng lại bắt học trò phải thức, nếu ngủ là thầy đánh. Học trò tức quá mới hỏi:
-Con học chữ và phải học cả tính nết của thầy. Thầy hay ngủ ngày, sao thầy không cho con ngủ ngày?
Thầy trả lời liều:
-Ta đâu có ngủ ngày, đấy là ta nằm chiêm bao để nói chuyện với ông Chu Công và Khổng Tử đấy chứ !
Một buổi kia, thầy ngủ, trò cũng ngủ theo. Thầy thức dậy trước, liền lay trò dậy và mắng:
-Sao mày dám bỏ học mà nằm ngủ?
Trò thưa:
-Thưa thầy, con có ngủ đâu ! Con nằm chiêm bao để ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử đấy chứ ạ !
Thầy tức giận nói:
-Mày bảo ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử, vậy thì hai ông ấy nói gì với mày?
Trò trả lời:
-Hai ông ấy bảo sao lâu nay không thấy thầy mày đến thăm. Con trình rằng mới hôm qua đây thầy có đến thăm ông. Hai ông thấy nói vậy, có vẻ giận lắm, bảo con rằng:
-"Mày về bảo cái thằng thầy mày đừng có nói dối !"



76. ĐẾN HÓC MÀ CHẾT MẤT

Một thầy đồ đi tìm nơi dạy học, ghé nghỉ chân nhà hàng nước ven đường. Trông thấy thầy đồ lấm lét, có vẻ gian vặt. Bà hàng nước phải xem chừng trước, trong nhà có cái gì nom dễ đút túi thì vội dấu đi hết. Chỉ còn có con dao rựa là phải để chẻ củi nấu cơm, nên không cất được mà thôi. Thế mà thoáng một cái, lúc thầy đồ cơm nước xong, sắp khăn gói ra đi, thì bà hàng nước không thấy con dao rựa đâu nữa.
Bà hàng nước tức lắm, trong quán lúc bấy giờ chỉ có thầy đồ, không còn ai vào đây nữa. Chẳng nể nang, bà ta bảo thầy đồ cho khám khăn gói. Tìm mãi trong khăn gói không thấy, bỗng bà ta nhìn mo cơm nắm, để bên chõng, sao mà dài ngoằng ngoẵng. Bà ta liền cầm lên thấy nặng chình chịch, mới mở ra xem thì thấy con dao rựa đã nằm lọt vào giữa mo cơm.
Thầy đồ xấu hổ quá, nhưng lại còn nói chữa:
-Chết thật, may mà bà nhìn thấy, chứ không mà khi ăn đến hóc mà chết mất !........



77. KIÊNG CHỮ

Một thầy nọ tính hay kiêng, một hôm cùng một chú nhỏ theo hầu vào kinh đi thi.
Chú này có chiếc khăn vắt vai, dọc đường gió thổi mạnh, chiếc khăn cứ rơi xuống đất mãi. Chú cáu lắm và nói:
-Sao lại cứ rớt hoài như vậy !
Ông thầy nghe mới mắng:
-Đi thi chỉ sợ có một tiếng "rớt" mà mày cứ nói "rớt" mãi, thế thì bất lợi quá !
Chú nhỏ làm thinh.
Đi một lúc, chiếc khăn lại rơi xuống đất, lần này chú tức lắm, nhặt buộc chặt lên đầu nói:
-Phen này tao trói chặt mày vào đây, có đi tới kinh cũng không "đậu" nữa (vì chú kiêng chữ "rớt").



78. ÔNG ĐỒ NGHỆ LÀM THƠ

Có một ông đồ người xứ Nghệ ra Bắc tìm chỗ dạy học. Vào đền thờ đức thánh Quan, ông trông thấy tượng ngài uy nghi ngồi giữa. Ông Châu Xương vác ngọn dao, ông Quan Bình bưng hòm ấn đứng hầu hai bên, ngoài sân có đôi hạc đứng chầu trên lưng rùa.
Thầy liền tức cảnh làm bài thơ rằng:
Nỏ biết ông chi mặt đỏ gay?
Thế mà hương hỏa bấy lâu nay.
Bên kia chú lái cầm dao quắm,
Bên này thằng sải bưng cái khay.
Trên án, lư hương con chó đứng,
Ngoài sân cò trắng đụ cà cay (cà cuống) !!!!



79. VĂN HAY

Một thầy đồ đang cặm cụi viết bài, bà vợ đến bên cạnh nói:
-Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?
Thầy đồ lấy làm đắc chí, cho là bà vợ khen tài văn chương của mình, văn tứ dồi dào, giấy khổ nhỏ không đủ chép, nhưng cũng hỏi lại:
-Bà nói vậy là thế nào?
Bà vợ thong thả nói:
-Ông chả biết tính toán gì cả, giấy khổ to bỏ đi còn gói hàng, chứ giấy khổ nhỏ thì làm gì được !!!



80. ĐẬU PHỤ MẮM TÔM

Hai ông đồ rủ nhau vào hàng để đánh chén. Nhìn vào đĩa đậu phụ trên mâm, một ông nói:
-Tôi ra một câu, ông đối được cho thông thì tôi chịu tiền cả, đối không thông thì ông chịu tiền cả.
Ông kia bằng lòng.
-" Nướng đậu phụ cho cha ăn". Đối đi !
Ông kia ngẫm nghĩ một lúc, rồi đọc:
-"Sắc ích mẫu cho mẹ uống". Ông trả tiền nhé !
Ông ra câu đối hơi hoảng. Nhưng rồi ông ta trấn tĩnh được, thong thả nói:
-Đối sát đấy. Phụ là cha đối với mẫu là mẹ, uống đối với ăn. Có điều thông chưa thông.
-Thông thế nào nữa?
-Đậu phụ không có mắm tôm thì ăn với gì? Ăn với ích mẫu được ư?
-Đối thế này mới thông: "Lấy mắm tôm cho mẹ chấm ". Ông trả tiền cả chứ !!!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Blogroll

Site Info

Text

Thachsungxanh Copyright © 2009 WoodMag is Designed by Ipietoon for Free Blogger Template